Tác giả ảnh bìa: Erik Ostermann.
Tôi tin chắc rằng trong lịch sử hàng nghìn năm của văn minh nhân loại, có rất nhiều triết gia đã cố gắng định nghĩa sự phát triển vượt bậc của con người nằm ở đâu. Có rất nhiều câu hỏi giống nhau về khởi nguồn, về sự tồn tại, về tri thức đã, đang và sẽ được hỏi trong quá trình tồn tại của con người trên thế giới này, nhưng tôi tin rằng không bao giờ có một câu trả lời xác định nào cho những câu hỏi mang tính khoa học và cả triết học này cả. “Thứ duy nhất không bao giờ thay đổi chính là sự thay đổi”, triết gia Hy Lạp Heraclitus đã nói như vậy, và tôi cho rằng đây là chìa khoá mở ra tương lai, trong bất kì lĩnh vực gì đi nữa. Ai tạo ra thế giới này? Con người có từ đâu? Liệu thuyết tiến hoá của Darwin có còn chuẩn xác không khi trong nhiều năm qua đã có rất nhiều chứng cứ khoa học chỉ ra rằng thuyết tiến hoá là một câu chuyện thần thoại và Darwin có lẽ là người kể chuyện có nhiều fan hâm mộ nhất hành tinh? Tại sao chúng ta vẫn chưa thể tìm ra một hành tinh nào có sự sống ngoài trái đất? Nếu thực sự không có người ngoài hành tinh thì con người lý giải thế nào về sự tồn tại của chính mình? Chúng ta là một phép màu, hay là điểm cuối cùng của câu chuyện viễn tưởng mà Darwin thêu dệt nên?
Đây là 1 phần một triệu của một hạt cát trong sa mạc những câu hỏi mà chúng ta luôn đi tìm câu trả lời trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Với một niềm tin mãnh liệt, tôi nghĩ rằng khởi nguồn của những câu hỏi này cũng chính là khởi nguồn của tri thức: sự tò mò. Động vật nói chung sở hữu óc hiếu kỳ rất lớn, đặc biệt là con người. Từ vật nuôi trong nhà đến các sinh vật nơi hoang dã, chúng ta thấy biểu hiện cụ thể của tính hiếu kỳ mỗi giây phút trôi qua mãnh liệt và rộng khắp hơn bao giờ hết nhờ có internet và các phương tiện kết nối xuyên biên giới, xuyên lục địa. Sự tò mò là động lực thúc đẩy nhân loại tiến lên, là chất xúc tác làm ta nghĩ đến tương lai và sự ổn định mà nếu không có nó, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn sống ở thời kỳ đồ đá và năm nay sẽ không phải là 2018 sau Công Nguyên mà sẽ là một mốc thời gian trong một thế giới hoàn toàn khác.
Tôi tin rằng một tập thể có những con người sở hữu óc tò mò luôn thôi thúc sẽ là một tập thể có tiềm năng phát triển bậc nhất. Một công ty có nhiều nhân viên khao khát tri thức, khao khát cái mới, khao khát những thứ tốt hơn có thể thay thế cho những thứ hiện hành, sẽ là một công ty khổng lồ trong lĩnh vực của họ. Một gia đình có con cái được thừa hưởng trí tò mò của bố mẹ và được khuyến khích đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình sẽ là một gia đình hạnh phúc và nổi bật trong xã hội. Một chính phủ không ngại thay đổi, dám đương đầu trực diện với khó khăn và những thứ còn chưa biết sẽ là một chính phủ sở hữu sự hậu thuẫn chắc chắn từ nhân dân và là chính phủ tiến bộ bậc nhất của nhân loại. Cuối cùng, một dân tộc gồm nhiều đứa con được thừa hưởng, nuôi dưỡng, khuyến khích trí tò mò sẽ là một dân tộc sở hữu nội lực khôn cùng, thứ nội lực nền tảng của một xã hội văn minh và không ngừng thay đổi để tiến bộ.

Buồn thay, bản tính nguyên thuỷ nhất của con người là sự tò mò đang phải nghiến răng và nhường chỗ cho những điều mà tôi cho là phù phiếm của thế giới hiện đại. Chúng ta làm biến đổi bản chất tốt đẹp của lòng hiếu kỳ đi tìm sự thay đổi thành sự tọc mạch và đố kỵ. Chúng ta đặt sự tò mò vào những giá trị của đồng tiền, đặt sự tò mò vào định nghĩa hạn hẹp và thiển cận của việc xếp hạng và so sánh. Tôi cảm thấy rất tệ mỗi khi nhìn vào một cá nhân, đặc biệt là trẻ em, và nhận ra tất cả những gì xã hội đã hình thành cho họ là thói quen thích so đo với người khác về mọi thứ và việc dễ dãi chấp nhận những gì họ được dạy. Tôi có cảm giác rằng một bộ phận lớn con người, từ trẻ đến già, đã quên đi cách đặt câu hỏi, và khi bạn ngừng thắc mắc, thế giới của bạn sẽ đứng lại.
Mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục, tôi nghĩ, không phải là việc truyền tải tri thức. Truyền tải tri thức chỉ là nhiệm vụ quan trọng thứ hai, còn nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục, của thầy cô và của bất kì ai trong xã hội chính là giúp bản thân mỗi người và thế hệ sau giữ được lòng khao khát tri thức, hay nói đơn giản hơn là giữ được sự tò mò nguyên thủy. Khi nuôi dưỡng sự tò mò, thế hệ đi trước có thể dễ dàng kết nối với thế hệ nhỏ hơn, vì chúng ta biết câu trả lời cho những câu hỏi mà thế hệ sau có, và nếu không biết thì chúng ta có thể đi tìm câu trả lời cùng nhau. Tôi cho rằng đó là sự kết nối rất nhân bản, rất người, là sự kết nối của tri thức đến nhận thức và cảm xúc. Đã bao nhiêu lần bạn bị bọn trẻ hỏi những câu mà bạn đã từng thắc mắc lúc nhỏ nhưng đến giờ vẫn không biết câu trả lời? Tại sao bầu trời màu xanh? Tại sao lại có tôn giáo? Chúa có tồn tại không? Con người do ai tạo ra? Tôi cam đoan với bạn lũ trẻ sẽ hỏi bạn những câu này, và bạn sẽ không trả lời được. Vì đâu đó trong cuộc đời, chúng ta đã đánh mất niềm háo hức với tri thức, chúng ta để những thứ nhỏ nhặt và bần tiện của cuộc sống lấp đi mất sự tò mò vốn là động lực thúc đẩy chúng ta tiến lên. Tôi không muốn lắp bắp “ờ..ba cũng không biết nữa” với con cái khi được hỏi những câu như vậy, và tôi cũng không muốn bạn rơi vào hoàn cảnh đó. Đừng để thế giới của bạn dừng lại, như nó đã từng dừng lại với tôi trong vài năm trước đây.
Tôi sẽ tâm sự với bạn điều này: cách đây vài năm tôi đã ở trong những tháng này kiệt quệ về tinh thần đến nỗi không thiết gì với cuộc sống nữa, và trong hành trình lang thang vô tận trên internet tôi tình cờ xem được series Planet Earth của đài BBC. Planet Earth là một series phim tài liệu về, đúng như tên gọi của nó, trái đất của chúng ta, bộ phim dẫn người xem đến những thảo nguyên mênh mông, những đáy vực sâu hun hút, những ngọn núi hùng vĩ, những đại dương xanh thẳm và đến cả tầng đáy phủ đầy bóng tối của đại dương để giới thiệu đến khán giả tất cả mọi thứ có thể ghi hình được của mẹ thiên nhiên. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác nhỏ bé của mình khi xem được những thước phim đó. Planet Earth đưa tôi trở lại làm một đứa trẻ, từ những cái trợn tròn mắt này đến cái há hốc mồm khác vì sự kì diệu, đẹp đẽ, tàn nhẫn, bao dung, chân thật của thiên nhiên, của Trái Đất. Chúng ta, homo sapiens, không phải là chủ của thế giới này. Chẳng có giống loài nào là chủ của thế giới này cả. Chúng ta chỉ là những hành khách đi ngang chốn này trên hành trình vô tận của thời gian mà thôi, và gần đây tôi còn nghĩ rằng, biết đâu trong tương lai homo-sapiens sẽ lại là một nền văn minh bị xóa sổ như văn minh Maya, hay gần hơn với Việt Nam là nền văn minh Angkor trước kia? 3000 năm nữa, thế hệ tương lai sẽ tìm thấy một trái đất như thế nào, hay đến lúc đó sẽ không còn tồn tại thứ gọi là homo sapiens nữa? Planet Earth làm tôi ý thức được sự nhỏ bé của giống loài trước thiên nhiên, ý thức được sự sống còn của chính bản thân mình có khi không bằng nổi một hạt bụi trong vũ trụ, và nếu đó là sự thật thì những khó khăn tôi gặp phải trong cuộc đời đã là gì? Tôi đã thay đổi sau khi xem Planet Earth, ít nhất là về thế giới quan. Tôi thấy mình bé nhỏ lại, và những vấn đề trước đây cũng như hiện tại trở nên nhỏ bé theo, và trong những tháng ngày sau đó tôi đã tìm lại được sự ham mê với tri thức. Đó là sự ham mê cái chưa biết, là nhìn sự việc một cách bình thản, là nhận ra tôi đã thôi tò mò từ lâu lắm rồi. Và, tôi đã lại bắt đầu đặt câu hỏi. Đó là một cảm giác tuyệt vời, một sự thể nghiệm không tiền bạc, địa vị nào có thể mua được. Tôi tò mò về tôn giáo, về hành vi con người, về vật lý, về sinh học, về dược phẩm, về thực vật, về mọi thứ xung quanh, về cuộc sống. Tôi khiêm nhường hơn và tôn trọng người khác hơn sau khi lại một lần nữa khám phá ra sự tò mò mà thiên nhiên ban tặng cùng với sinh mạng của mình. Tôi biết ơn sự tò mò, biết ơn tri thức, biết ơn những con người đi trước đã không ngừng đặt câu hỏi, và biết ơn sự sống này.

Chúng ta sống để trải nghiệm, học hỏi, thay đổi và tiến lên. Đừng bao giờ đánh mất đi sự hứng thú với cuộc sống, đơn giản bởi vì nó quá đẹp, quá kỳ diệu và còn quá nhiều điều mà tôi, bạn, và những thế hệ sau này nữa vẫn chưa khám phá hết, những xiềng xích vô hình của thế giới hiện đại có thể vùi chúng ta xuống, nhưng tri thức và sự sống sẽ kéo chúng ta lên. Hãy khuyến khích con cháu bạn tò mò, vì những đứa trẻ được bạn giải đáp thắc mắc ngày hôm nay sẽ nhớ như in cảm giác phấn khích khi phát hiện ra được sự thật, và chúng sẽ mang cảm giác đó làm hành trang cho một tương lai tốt đẹp hơn, tôi tin là như vậy.
Lance.
Tháng 7, 2018.