DSK: Cái ngông của thời đại
Là một con người trong xã hội, gần như việc lớn lên mà không có âm nhạc là chuyện không thể. Dù thế nào đi nữa thì bất kỳ ai cũng đều có một hoặc nhiều giai đoạn của cuộc đời gắn bó với những giai điệu và câu từ. Âm nhạc không giống như những nhu cầu ở tầng đáy của tháp Maslow, nghĩa là ta không cần nó vẫn có thể tồn tại được, nhưng nếu một cuộc đời chỉ quanh quẩn ở tầng đáy của tháp Maslow thì quả là một bi kịch. Thiếu nghệ thuật, mà âm nhạc là một phần trong đó, con người sẽ lúng túng với những cảm xúc của chính mình, sẽ gặp khó khăn khi cố gắng định nghĩa những đợt sóng cảm xúc lúc hiền hòa lúc dữ dội, và sẽ sống mà không có mục đích nào cao cả hơn là sự tồn tại.
Tôi lớn lên với âm nhạc. Từ nhạc cách mạng hát đi hát lại đến mức nằm lòng (sau này lớn lên có những lời ca tôi không còn dám hát vì mùi máu tanh trong từng câu chữ), những ca khúc đi cùng năm tháng của dòng nhạc quê hương như “Người đi xây hồ kẻ gỗ”, đến Pop Việt những năm 90 cùng với những cái tên đã quá quen thuộc đi lên từ chương trình Làn Sóng Xanh, và kể từ năm 13 tuổi đến tận bây giờ, tôi bước qua thời niên thiếu và trưởng thành cùng với Rock. Tôi nghĩ rằng mình có hứng thú rất nhiều với âm nhạc, nhiều hơn hẳn so với một khán giả đại chúng, và trên bước đường trưởng thành của mình, ngoài Rock tôi còn có cơ hội nghe và thích thêm nhiều dòng nhạc của phương Tây như Blues, Jazz và R&B; nhưng mặc nhiên có một dòng nhạc tôi không bao giờ nghe, đó là Rap.
Tôi đã từng có định kiến rất mạnh mẽ với Rap. Giữa thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tôi biết đến Rap nhờ Linkin’ Park, ban nhạc nổi tiếng toàn cầu với thể loại Nu-Metal nhiều mới mẻ, và tôi cũng đã có những tiếp nhận đầu tiên của mình về nhạc Rap ở Việt Nam. Vào thời điểm đó, Rap vẫn còn bị coi là “nhạc chế”. Bản thân tôi cũng không hiểu tại sao Rap Việt lại tệ đến thế, và bẵng đi vài năm đến giai đoạn 2009-2011, tất cả mọi thứ tôi biết về Rap là những trận battle liên miên của các rapper hòng khẳng định cái tôi của mình với thứ ngôn ngữ mà tôi coi là tục tĩu và thấp kém. Tôi ác cảm với Rap Việt từ đó, và cũng không mấy cảm tình với những bài rap “hot trend” của Bill Boards.
Hơn mười năm sau, 2017, tôi biết đến Đen. Nhạc của Đen chân thành, giản dị, gần gũi, dễ nghe, dễ thuộc, và dễ thấy mình trong đó. Tôi biết đến AnhEmRap, thích thêm 4 artists khác là Thơm, EmceeL, Krazinoyze và người cuối cùng là Cam, mặc dù Cam không phải là thành viên của AnhEmRap. Nhưng tôi vẫn không nghĩ mình thích nhạc Rap và tự nói với bản thân mình rằng ngoài những track tôi đã thích thì Rap Việt vẫn là cái hình ảnh tục tĩu và kém văn minh tôi thấy từ cái thuở đầu 2000. Cho đến khi, bằng một cách rất tình cờ, tôi nghe vài bài của DSK. Lúc đó tôi không biết DSK là ai, không biết trong cộng đồng Rap Việt anh có chỗ đứng như thế nào, thứ duy nhất tôi biết về anh là đoạn verse max ngáo của anh trong ca khúc Tan ka.

Có một lần youtube đã autoplay 1 track của DSK trước khi tôi kịp bấm cancel, và nghĩ lại thì tôi thực sự mừng vì đã ngồi im mà nghe. Và DSK đã viết gì?
“Nhìn vào mắt anh đi, em sẽ thấy nhiều đỏ hơn đen
Có lẽ cái tôi anh nhỏ hơn em muốn đốt tất cả cho bõ cơn ghen
Đốt cần lên đốt thuốc lên đốt nhà đi và ra đi – Đốt Gucci, Armani
Quá khứ cháy hồi cuối, tí tách củi hồng dần dần nguội”
(Cháy – DSK)
4 câu. Là tất cả để tôi giật mình. Vì chất thơ của hình ảnh và sự lãng mạn trong câu từ. Sau khi biết đến Đen, Thơm, EmceeL, Krazinoyze và Cam, tôi đã đi nghe thêm 1 vài artist khác nữa của Rap Việt và tôi ý thức rất rõ mức trần của chất lượng hiện tại đang ở đâu. Tôi giật mình vì DSK chỉ với 4 câu đã bật lên khỏi mức trần đó. Tiếp theo, DSK viết:
“Cái gì nó đến nó đến nó đi nó đi không cần đuổi
Con đường một chiều mình đi rồi, đứng rồi, ngã rồi
Đôi lúc để cảnh đẹp chi phối và dừng lại, góp nhặt từng que diêm, lấy túi đựng lại
Dành cho những ngày đông tới, những ngày lạnh em không tới, mây dường như là không trôi, anh thì nông nổi
Bước trên con đường kết thúc cuối chân trời chẳng rõ hướng
Nhìn chung những ngày không em lạnh buốt xương
Đốt hết đi! Sưởi ấm đôi bàn tay, đốt hết đêm để níu hơi ấm từ ban ngày
Anh tự đốt chính mình như Thích Quảng Đức 1963
Đôi lúc thời gian giống như đảo ngược mình trước quen và sau lạ”
(Cháy – DSK)
Và DSK đã chốt đoạn verse này bằng một sự chiêm nghiệm đầy tinh tế mà vẫn đủ sức nặng để đánh gục sự đề phòng trong tôi:
“Trên con đường lấy lửa thử vàng thì anh phát hiện con tim mình chỉ là đá, babe”
(Cháy – DSK)
Tôi luôn biết rõ khi bản thân mình thực sự thích gì đó. Cảm giác không thể định nghĩa bằng lời, nếu phải nói ra thì chỉ là 2 chữ: just right! Và tôi đã có cảm giác just right đó với DSK, chưa từng hối hận, có chăng thì chỉ là tự trách mình sao không biết đến nhạc của anh sớm hơn.
Âm nhạc của DSK là cuộc sống của anh, càng nghe nhiều tôi càng thấy đồng cảm với người nghệ sỹ này, vì một lý do nguyên thủy nhất của nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng: sự chân thật của cảm xúc. Cảm xúc được DSK truyền tải một cách trọn vẹn, không thừa không thiếu, không cường điệu cũng không sến sẩm, ủy mị hay giả tạo, DSK viết ra được chính xác những trải nghiệm và những cảm xúc mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể gọi tên, và tôi vô cùng biết ơn anh vì điều đó. Bạn biết chúng ta đặt tên cho điều mà chỉ một số rất ít người làm được còn đại đa phần không làm được là gì không? Là thiên tài. Tôi đã quá cái tuổi có thể fanboy hay fangirl một ai đó, nên nhận định này hoàn toàn không phải vì sự thích thú của tôi với DSK quá lớn, nó đến từ việc nhìn nhận tài năng của anh một cách chân thực. Tôi gọi DSK là thiên tài. Vì anh nhìn cuộc đời với những lăng kính rất khác so với chúng ta, nghe nhạc anh nhiều lúc tôi tự hỏi không biết có phải thằng cha này nhìn mọi việc đều ra từng lát cắt khác nhau không. Như anh đã viết trong track “Nhạc của tao”:
“Và có lẽ sự khác biệt nó nằm trong cái tầm nhìn
Triết lý nó không đòi hỏi một sự công nhận mà chỉ lặng lẽ trong câm nín
Đến với những kẻ muốn tìm”
Viết được 3 câu này quả thực rất đáng nể. Khi bạn thực sự ngồi xuống và suy nghĩ nghiêm túc về nó, thì triết lý chính xác như là DSK đã viết. Chúng ta nhìn thế giới xung quanh với những con mắt khác nhau, góc nhìn khác nhau nên sự thật của mỗi chúng ta đều khác nhau. Có những sự thật chỉ là một nửa sự thật, có những sự thật là lời dối trá và có những sự thật là không toàn vẹn nhưng lại tốt hơn cho người nghe.
“Sự thật lại rơi vào trong ánh mắt người quan sát
Sự thật của nó là rảnh nợ, sự thật của mình nó tan nát
Sự thật đôi lúc là lụa là mình thêu lên
Sự thật đôi lúc là bức tường đổ mọc rêu lên
Sự thật đôi lúc chẳng nêu tên, sự thật đôi lúc để kêu lên”
(Nhạc của tao – DSK)
Và DSK đã chốt lại suy nghĩ của anh bằng một câu rất đắt:
“Sự thật là khu rừng già những lời nói dối tựa như cây.”
(Nhạc của tao – DSK)
Có lẽ mỗi chúng ta đều có kiến giải của riêng mình cho câu này của DSK, và như tôi đã nói, sự thật tôi nhìn ra được chưa chắc đã giống với những gì bạn đang hình dung, và chúng ta có thể có 1 cuộc thảo luận về chủ đề này. Nếu đó không phải là triết học trong âm nhạc, như cách bác Trịnh đã làm bao thế hệ người Việt Nam mê mẩn, thì còn có thể là thứ gì khác?

Thực lòng mà nói, tôi nghĩ cái thiên tài của DSK có thể sánh ngang với bác Trịnh, anh Nguyễn Công Hải (Bột) và chị Lê Cát Trọng Lý. Tôi không nghe nhiều nhạc của bác Trịnh và chị Lý lắm, nhưng tôi thừa nhận rằng họ là hai tài năng hiếm có khó tìm của âm nhạc Việt Nam, và họ đã được công chúng công nhận cái tài của mình. Anh Bột cũng vậy, âm nhạc của anh ảnh hưởng đến tất cả mọi người đã từng nghe anh, và âm nhạc của một người trẻ như anh lại có thể phá vỡ được rào cản thế hệ, bằng chứng là các show của anh đều chật kín khán giá của mọi lứa tuổi. Những “Ông trời cô đơn”, “Cho con được trở về”, “Xa”, và nhiều bài hát khác nữa được nhiều người thuộc nằm lòng vì tính tự sự, sự chân thật và quan trọng nhất là vì những người yêu nhạc anh Bột đều thấy được mình trong đó, như một tấm gương phản chiếu lại những buồn vui trong đời.
Nhưng DSK chưa có được cái may mắn như vậy. Có nhiều lý do, có thể do anh quá hiền lành, không thích tranh đua; cũng có thể do anh ngông, không quan tâm đến danh tiếng, vì chính DSK đã từng nói anh làm nhạc từ trái tim và âm nhạc của anh là những câu chuyện của cuộc đời anh, nếu may mắn có được sự đồng cảm từ khán giả thì với anh thế là đủ:
“Nhạc của bọn mày để kiếm tiền – nó đéo đến từ trái tim
Nhạc của mày nhẹ như là bông gòn – nhạc của tao hardcore, nhạc của tao đến Campuchia, Angkor Wat, yo”
(Nhạc của tao – DSK)
Tôi không vui vì điều đó. Là một khán giả, tôi nghĩ rằng thứ tôi theo đuổi là cái đẹp của âm nhạc, và một khi cái đẹp được gõ cửa bởi một nghệ sỹ thì tôi muốn người nghệ sỹ đó được thưởng xứng đáng với những gì họ đã cống hiến. Nhưng DSK nghèo. Anh nghèo mãi trong các track nhạc của mình.
“Nhắc cho tao tiền nhà tháng này còn chưa trả, kẻo tao quên
Nhắc cho tao ông già ở nhà vẫn còn phải lo cho tao nhá, kẻo tao quên
Nhắc cho tao là ngày dài hơn đêm, để tao tỉnh cơn mê
Nhắc cho tao tao nghèo lắm, nhưng còn nhiều người nghèo hơn thế”
(Quên – DSK)
DSK chẳng có cái studio recording nào ra hồn, nhạc của anh hết 90% là live version hoặc demo, tôi không thể chờ để nghe một album hoàn chỉnh từ DSK nhưng đó vẫn là chuyện tôi không biết có bao giờ xảy ra hay không. Tôi buồn vì DSK nghèo, buồn đến mức tôi nghĩ rằng nếu giàu có và dư giả, tôi sẽ cầm 1 tỷ đến gặp DSK và nói rằng hãy để tôi tài trợ cho anh ấy làm album, tôi không đòi hỏi bất kỳ thứ gì cả, ngoài âm nhạc. Nhắc lại với các bạn một lần nữa, tôi không phải fanboy. Tôi nghĩ rằng những giá trị mà DSK tạo ra với âm nhạc của anh xứng đáng được lưu lại cho những thế hệ tiếp nối, vì dẫu sao thì mỗi chúng ta đều chỉ là một hành khách đi ngang chóng vánh trên hành trình vô tận của thời gian, chúng ta có thể làm gì khác hơn là lưu lại những gì đẹp đẽ nhất cho tương lai sau này?
Viết về nhạc của DSK, tôi có thể viết rất nhiều. Vì mỗi track của anh chứa đựng những nỗi đau mà cả thế gian này đều gặp phải, nên mỗi khi tôi viết về anh câu chữ tự nhiên trào ra như sóng cuốn, bạn biết tại sao không? Vì cảm xúc của tôi là thật, và cảm xúc của bạn cũng sẽ như vậy. Nếu bạn nghe nhạc DSK không thấy thích, hãy quay lại trong vòng 1 hoặc 2 năm nữa, chắc chắn rằng bạn sẽ có cái nhìn khác. Bởi vì trong cuộc sống này, sẽ đến lúc mỗi chúng ta đều nhận ra một sự thật rằng:
“Đời mà, bèo dạt và mây trôi
Ba chìm và bảy nổi, huống gì
Cuộc đời này là đại dương, chẳng bao giờ hết lênh đênh
Và bước chân chẳng bao giờ hết chênh vênh
Thuyền vượt giông nhưng chẳng bao giờ hết sợ sóng
Gió da diết mãi sao chẳng thể thỏa nỗi nhớ mong
Và nội tâm dạy cho mình bài vỡ lòng
Bao mâu thuẫn giày xé, giết ước mơ ngày bé
Để lẫn lộn buồn vui, lớn rồi họ dạy mình luồn cúi
Trong những đêm đen lạc lối chẳng thể nào mà khác được
Có những con đường lạc lõng và những đôi chân lạc bước.”
(Anh thanh niên trẻ – DSK)
Những ngày bạn cảm thấy lạc lõng như thế, hãy nghe DSK kể câu chuyện của cuộc đời mình. Nghe để đồng cảm, để lớn lên, để trưởng thành và trên hết, là để:
“…thấy được những thứ to lớn hơn mày, và to lớn hơn tao
Thấy được cái hỗn loạn trong yên bình để điềm đạm trong cơn bão, homies.”
(Anh thanh niên trẻ – DSK)
Với tôi, thế hệ nhạc sĩ ngày xưa của Việt Nam đều rất tài năng, nổi bật nhất có lẽ là bác Trịnh Công Sơn. Thế hệ tiếp nối, chúng ta có Lê Cát Trọng Lý ở Pop/Art Pop, có Hải Bột ở Rock/Post Rock, và chúng ta có DSK ở Rap. Với tôi, họ là những niềm tự hào.
Chúc DSK nhiều sức khỏe và mong anh có được sự công nhận cùng những phần thưởng xứng đáng dành cho âm nhạc của anh. Tôi hy vọng anh vẫn còn khao khát thành công như thời điểm anh viết:
“Nơi sống Germany, ngày sinh 23/11/1987
Sở thích là Rap, giấc mơ ca sỹ
Tính cách hiền hòa con người nhẫn nại
SK the realest, tao đéo có tiền nhưng vẫn fly, homie”
(Kháng án – DSK)

Lance.
Tháng 7, 2018.
Continue reading “DSK: Cái ngông của thời đại”